Y sĩ đa khoa trình độ cao đẳng (CĐ) là ngành mới được nhiều trường đua nhau mở. Trường CĐ được mở ngành liên kết với trường ĐH để đào tạo, quảng cáo chiêu sinh quá mức khiến cho việc tuyển sinh đào tạo gây băn khoăn cho xã hội, gây nhầm lẫn cho người học…
Đua nhau mở ngành, tuyển sinh
Tháng 9 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có công văn gửi Trường CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam đề nghị báo cáo thông tin tuyển sinh nghề y sĩ đa khoa trình độ CĐ.
Công văn gửi trường nêu rõ tổng cục nhận được thông tin nhà trường ban hành thông báo tuyển sinh ngành, nghề y sĩ đa khoa đào tạo trình độ CĐ trên website yhoc.edu.vn có nội dung thông tin về đối tượng tuyển sinh của ngành, nghề y sĩ đa khoa đào tạo trình độ CĐ chưa chính xác dẫn đến dễ gây nhầm lẫn cho người học, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị trường cải chính ngay những thông tin không chính xác về tuyển sinh đối với ngành, nghề y sĩ đa khoa…
Cũng liên quan ngành, nghề y sĩ đa khoa của Trường CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam, cuối tháng 8 vừa qua, Trường ĐH Thành Đông cũng ra thông báo tuyển sinh hệ CĐ ngành này trên cơ sở hợp tác giữa 2 trường. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện truyền thông Trường CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam cho biết hai trường đã có kế hoạch hợp tác đào tạo ngành y sĩ đa khoa nhưng hai bên đã ngưng hợp tác tuyển sinh, những sinh viên Trường ĐH Thành Đông ngành y sĩ đa khoa đã được chuyển về Trường CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết về việc liên kết tuyển sinh và đào tạo, quảng cáo tuyển sinh của Trường CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam, sau khi nắm bắt thông tin Tổng cục đã đề nghị các trường giải trình, các bên cũng nhận ra những thiếu sót và đã chấm dứt hợp tác.
Y sĩ đa khoa là ngành mới, ban đầu chỉ có Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Y tế Thái Bình xây dựng chương trình đào tạo trình độ CĐ, sau nhiều năm lập hồ sơ, kiểm tra thẩm định… đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận mở ngành vào tháng 8-2023. Đến nay, đã có thêm các trường như CĐ Y tế Kiên Giang, CĐ Y tế Hà Nam, CĐ Y dược Phạm Ngọc Thạch, CĐ Công nghệ Y - Dược Việt Nam, CĐ Y tế Đắk Lắk… mở ngành này.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế làm việc về mở ngành y sĩ đa khoa với Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn
Phải thẩm định vì liên quan sức khỏe, tính mạng
Ở bậc ĐH, khi các trường muốn mở ngành đào tạo khối sức khỏe đều có sự tham gia thẩm định của Bộ Y tế nhưng ở khối giáo dục nghề nghiệp lại không có quy định bắt buộc.
Trong số các trường có ngành y sĩ đa khoa nêu trên thì chỉ có 2 trường được Bộ Y tế khảo sát và có ý kiến khi mở ngành là Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Y tế Thái Bình, các trường còn lại thì không. Bà Nguyễn Thị Việt Hương cho biết đối với các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, không có quy định nào bắt buộc các trường khi mở ngành, nghề về sức khỏe đều phải có sự tham gia thẩm định điều kiện mở ngành của Bộ Y tế, chỉ khi nào có sự vụ kiểm tra hay việc gì khác về mặt chuyên môn của y tế thì mời bên y tế tham gia đoàn.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc mở ngành đào tạo khối y tế mà không có sự tham gia ngay từ đầu của Bộ Y tế để thẩm định điều kiện là một thiếu sót. Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt (nay là CĐ Nova), cho biết khi còn thuộc Bộ GD-ĐT, trường đã mở ngành đào tạo về sức khỏe, việc triển khai mở ngành đều có sự tham gia kiểm tra thẩm định điều kiện mở ngành của Bộ Y tế và sau khi có ý kiến đủ điều kiện của ngành Y tế, Bộ GD-ĐT mới ra quyết định cho mở ngành. Ông Thành cho rằng việc tham gia thẩm định của Bộ Y tế là cần thiết bởi các ngành khối sức khỏe khá đặc thù, liên quan sức khỏe và tính mạng con người. "Thật khó hiểu khi nay CĐ mở ngành về sức khỏe lại không cần thẩm định của cơ quan chuyên môn!" - ông Thành, nói.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở TP HCM cho rằng đào tạo nhân lực ngành y tế luôn được coi trọng dù là ở trình độ ĐH hay CĐ. Việc mở các ngành này được coi là có điều kiện, khi trường muốn mở ngành thì đầu tư, cơ quan chuyên môn thẩm định đủ điều kiện thì có ý kiến, từ đó cơ quan quản lý ra quyết định mở ngành. Dù rằng phía Bộ Y tế có đề xuất yêu cầu chuyên môn bảo đảm chất lượng đào tạo ngành y sĩ đa khoa trình độ CĐ nhưng rõ ràng việc không quy định phải có sự thẩm định về chuyên môn y tế trước khi cho mở ngành là một bước thụt lùi, cần xem xét lại.
Khoảng trống pháp lý
Hiện nay do không có quy định khối giáo dục nghề nghiệp khi mở ngành về lĩnh vực sức khỏe phải có sự tham gia thẩm định của Bộ Y tế nên Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế đã có công văn gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin về việc sử dụng nhân lực y sĩ và đề xuất yêu cầu chuyên môn bảo đảm chất lượng đào tạo ngành y sĩ đa khoa trình độ CĐ.
Bài và ảnh: Huy Lân